Tình trạng tòa nhà chung cư chưa thành lập ban quản trị vẫn còn khá phổ biến ở các thành phố lớn. Khi tòa nhà chưa thành lập được ban quản trị nhà chung cư thì quyền lợi của cư dân trong đó cũng chưa được bảo vệ tốt nhất.
Đọc thêm:
Những góc khuất xung đột giữa cư dân và ban quản trị tòa nhà
Ban quản trị cần chú ý những gì khi mời thầu quản lý vận hành tòa nhà ?
Những chú ý ban quản trị cần nhớ khi nhận bàn giao tòa nhà từ chủ đầu tư
Trước tình trạng này, tòa nhà phải thành lập ban quản trị như thế nào? Thủ tục thành lập ban quản trị nhà chung cư ra sao? Cùng Landsoft tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Cần tổ chức hội nghị nhà chung cư
Để thành lập được ban quản trị nhà chung cư thì trước hết tòa nhà cần phải tổ chức hội nghị nhà chung cư, trong đó chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư có thể tham gia hoặc cử đại diện ủy quyền cho người khác tham gia hội nghị nhà chung cư.
Với những tòa nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì thành phần tham dự hội nghị nhà chung cư phải là đại diện của các chủ căn hộ trong tòa nhà.
Điều quan trọng là hội nghị nhà chung cư kể cả sau khi thành lập ban quản trị thì cũng phải tổ chức tối thiểu mỗi năm 1 lần hoặc tổ chức khi có văn bản đề nghị của 30% chủ sỡ hữu cũng như người sử dụng nhà chung cư, trong trường hợp cần thiết thì tòa nhà chung cư cũng có thể tổ chức hội nghị bất thường khi có trên 50% tổng số các chủ sở hữu và người sử dụng nhà chung cư đã đề nghị bằng văn bản.
Đối với những dự án nhà chung cư mới bàn giao, trong thời gian không quá 12 tháng kể từ ngày bàn giao và có 50% căn hộ được bán trở lên, bao gồm căn hộ chủ đầu tư giữ lại thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư.
Trong trường hợp quá 12 tháng mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư sẽ được rời lại và tổ chức sau khi tòa nhà đã có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.
Hội nghị của cụm nhà chung cư được tổ chức khi có tối thiểu 50% số căn hộ của mỗi tòa nhà trong cụm đã được bàn giao (bao gồm cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán) và có tối thiểu 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ của từng tòa nhà đã nhận bàn giao đưa vào sử dụng đồng ý nhập tòa nhà vào cụm nhà chung cư
Những quyết định ở trong hội nghị nhà chung cư
Trong công tác quản lý và sử dụng nhà chung cư thì hội nghị nhà chung cư chính là cơ quan có quyền cao nhất trong việc quản lý và sử dụng tòa nhà. Trong đó hội nghị nhà chung cư sau khi được tổ chức sẽ quyết định được các vấn đề sau:
+ Bầu ban quản trị nhà chung cư hoặc bãi miễn thành viên trong ban quản trị khi tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường. Thông qua hoặc sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động của ban quản trị cũng như mức phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên trong ban quản trị cùng các chi phí khác.
+ Thông qua hoặc sửa đổi, bổ sung nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư, lựa chọn doanh nghiệp quản lý vận hành và doanh nghiệp bảo trì nhà chung cư.
+ Báo cáo công tác quản lý vận hành, bảo trì và báo cáo tài chính của các đơn vị được giao thực hiện, quyết định những nội dung khác có liên quan tới công tác quản lý sử dụng nhà chung cư.
Mọi quyết định của Hội nghị nhà chung cư phải đảm bảo nguyên tắc theo đa số thông qua hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu và được xác lập bằng văn bản.
Những thành phần trong ban quản trị nhà chung cư
Ban quản trị nhà chung cư được thành lập với số lượng thành viên do hội nghị nhà chung cư quyết định, trong đó phải tuân thủ các quy định:
+ Ban quản trị nhà chung cư chỉ được có từ 3-5 thành viên, còn với cụm nhà chung cư thì có từ 6-25 thành viên, mỗi tòa nhà trong cụm nhà chung cư là có từ 3-5 thành viên.
+ Ban quản trị nhà chung cư có thành phần là 1 trưởng ban, 1 hoặc 2 phó ban cùng với các thành viên khác do hội nghị nhà chung cư quyết định. Nếu chủ đầu tư sở hữu diện tích trong nhà chung cư thì đại diện của chủ đầu tư có thể được bầu làm trưởng ban hoặc phó ban quản trị nhà chung cư.
+ Với cụm nhà chung cư thì có 1 trưởng ban, mỗi tòa nhà trong cụm tổ chức họp có 1 hoặc 2 đại diện làm phó ban cùng với các thành viên khác.
Nếu chủ đầu tư sở hữu diện tích trong cụm nhà chung cư thì đại diện của chủ đầu tư có thể được hội nghị nhà chung cư bầu làm trưởng ban quản trị cụm nhà chung cư.
Tất nhiên, ban quản trị nhà chung cư sau khi thành lập cần phải chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của cư dân, tối ưu dịch vụ quản lý vận hành để cung cấp cho cư dân trong tòa nhà môi trường sinh hoạt an toàn và văn minh. Đây cũng là lý do ban quản trị nhà chung cư cần ứng dụng phần mềm quản lý tòa nhà Landsoft Control để giải quyết tốt tình trạng này, tối ưu công tác quản trị tòa nhà và minh bạch mọi hoạt động quản trị nhà chung cư tốt nhất.